Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Bài học thất bại khi đi xin việc

Không muốn bắt đầu từ việc vặt
Sinh viên tốt nghiệp khi mới bước chân vào xã hội, công ty rất khó để có được ngay một vị trí nhất định. Một số công ty còn quy định, tất cả nhân viên mới đều cần được đào tạo học việc một năm, nhiều sinh viên vì không tình nguyện chấp nhận đã làm mất đi một công việc tốt.
Thiếu hiểu biết về công ty
Trong buổi phỏng vấn tại một hội chợ việc làm, người phụ trách của một công ty mỹ phẩm yêu cầu người tham gia ứng tuyển nêu tên một số sản phẩm đại diện của công ty, không ngờ người sinh viên đó không đưa ra được đáp án nào. Người phụ trách cho biết, nếu sự thiếu hiểu biết, mơ hồ và không chuẩn bị trước về đơn vị dự định làm việc, người nhân viên đó khó có thể lên kế hoạch cho sự nghiệp tương lai. Với một người thiếu trách nhiệm như vậy chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ không sử dụng.
Đánh giá quá cao năng lực bản thân
Một số sinh viên không phải do bản thân không tìm được công việc mà nguyên nhân chính do họ kỳ vọng quá cao vào công việc muốn làm. Không quan tâm đến công việc mà họ cho là chưa xứng tầm, mù quáng theo đuổi điều thiếu thực tế, yêu cầu công việc lý tưởng như lương cao, đãi ngộ tốt. Họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và áp lực trong tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay và điều tất yếu và nguy cơ thất nghiệp trước mắt.
Xin việc một cách mơ hồ
Không ít sinh viên không hiểu vị trí công việc được giao cần làm gì, họ chỉ tìm hiểu qua văn tự. Nếu chỉ hiểu qua mặt chữ thông thường rất có thể bạn sẽ bỏ qua cơ hội tốt. Hãy gọi điện đến công ty bạn dự định nộp hồ sơ và yêu cầu được tư vấn tỉ mỉ về vị trí công việc bạn muốn làm.
Thiếu khả năng làm việc độc lập
Nhiều sinh viên do quá áp đặt lý thuyết sách vở vào công việc, thiếu kinh nghiệm xã hội, thiếu chính khiến và khả năng độc lập. Nếu bạn đã vượt qua mọi điều kiện trong vòng thi viết, khi tham gia phỏng vấn vẫn cần sự trợ giúp từ cha mẹ hãy coi chừng, bởi phần lớn nhà tuyển dụng rất phản cảm với hành vi này! Tiền đề khi bạn xin việc là cần chứng tỏ bạn là người độc lập, có khả năng phán đoán và trách nhiệm với bản thân.

Mẹo hay dành cho những người đang 'săn' việc

Trong cuộc phỏng vấn
Để chiếm được cảm tình và ấn tượng tốt từ nhà tuyển dụng, bạn nên chú ý hai điểm sau:
- Nếu người phỏng vấn hỏi bạn một câu hỏi mà bạn chưa hề chuẩn bị, hãy dành vài phút để suy nghĩ trước khi trả lời.
- Khéo léo gợi ý để nhà tuyển dụng nói về tiền lương, chế độ nghỉ phép, giờ giấc làm việc trước khi có buổi trao đổi chi tiết. Thực tế, vấn đề này thường được thảo luận trong buổi phỏng vấn thứ hai.
Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, CV ấn tượng nhưng rốt cuộc, bạn vẫn phải chờ đợi mỏi mòn mà chưa thấy nhà tuyển dụng hồi âm. Thực tế, để lọt vào mắt nhà tuyển dụng, chỉ CV hay một điểm nào đó nổi trội thôi chưa thể đủ mà cần có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố, từ khâu hồ sơ, trước khi đến phỏng vấn, trong và sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc... Những tiểu xảo sau sẽ giúp bạn thuận lợi hơn trong quá trình tìm việc:
Thư xin việc
Một lá thư xin việc phải thuyết phục được nhà tuyển dụng rằng bạn là ứng viên hoàn hảo cho vị trí công việc họ đang tìm kiếm. Thư xin việc đi kèm trong hồ sơ của bạn, quan trọng là phải làm nổi bật được kinh nghiệm, kỹ năng liên quan tới công việc này. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy, bạn sẽ đóng góp thể nào nếu trúng tuyển.
Vì thế, đừng coi nhẹ thư xin việc mà viết cho đầy đủ hồ sơ. Nhiều nhà tuyển dụng không cần nhìn đến các loại giấy tờ đi kèm mà chỉ đọc thư xin việc và CV để quyết định chọn ứng viên nào.
Trước khi phỏng vấn
Từ vòng hồ sơ, lọt vào vòng phỏng vấn là một thành công đáng kể của bạn, nhất là khi cùng một vị trí những hàng loạt ứng viên ngấp nghé. Cuộc phỏng vấn sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về bạn cũng như các kỹ năng bạn có, đây cũng là cơ hội để bạn xem xét liệu vị trí công việc này có phù hợp hay không. Bởi vậy, bạn nên có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi đối diện với nhà tuyển dụng:
- Tìm kiếm thông tin trên Internet, đọc báo và trò chuyện với bạn bè để tìm hiểu thêm về công ty mà bạn đang ứng tuyển.
- Dự đoán một số câu hỏi có thể nhà tuyển dụng sẽ dùng đến và chuẩn bị sẵn phương án trả lời hấp dẫn.
- Dùng những kiến thức, hiểu biết về công ty bạn có được để chuẩn bị một số câu hỏi nhằm hiểu thêm về thế mạnh, hạn chế của công ty cũng như thể hiện được ưu điểm của bản thân.
- Chuẩn bị trang phục phù hợp cho buổi phỏng vấn sắp tới. Hãy chắc chắn rằng, trang phục này phù hợp với văn hóa công ty, giúp bạn toát lên vẻ lịch sự, sang trọng nhưng không quá xa lạ khi đối diện người phỏng vấn.
Sau buổi phỏng vấn
Gửi tin nhắn, email ngắn gọn hoặc viết thư cảm ơn người phỏng vấn đã quan tâm và dành thời gian gặp gỡ bạn. Bạn nên nói rằng, bạn rất thích cuộc phỏng vấn và tìm thấy nhiều thông tin thú vị khi đối diện nhà tuyển dụng. Bạn đang hy vọng và chờ đợi được nghe kết quả tốt từ họ.

Các cách tạo ra không khí đối thoại khi phỏng vấn

Cùng chia sẻ về kinh nghiệm khi đi phỏng vấn, Susan RoAne cho rằng, các ứng viên không nên hỏi những câu đã có đáp án rõ ràng. "Bạn thực sự phải chuẩn bị một số câu hỏi thông dụng ở nhà, tìm đáp án sẵn cho chúng qua mạng xã hội, website công ty hay những thông tin bạn thu thập được". Đừng bao giờ hỏi những câu ngớ ngẩn kiểu như, công ty hoạt động trong lĩnh vực gì, thu lợi từ đâu, công ty có thường xuyên được nghỉ dài ngày không...
Theo Jonathan Milligan - nhà tuyển dụng và là chuyên gia tư vấn nghề nghiệp tại Florida, ứng viên có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng những câu hỏi của riêng mình, để xem công việc có phù hợp hay không. "Các bạn hoàn toàn nên tận dụng cơ hội này để có những câu hỏi, yêu cầu cho đúng, xác định sự tương xứng với năng lực cũng như sự yêu thích của bạn đối với công việc này".
Các chuyên gia về việc làm đã xác định 5 câu hỏi "đinh" giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn, đặt mình vào vị thế của người đối thoại thực sự thay vì chỉ biết ngồi một chỗ, nghe rồi trả lời. Đây cũng là bí quyết giúp bạn kiểm soát cuộc phỏng vấn tốt hơn.
- Khó khăn của công ty
Một trong những vấn đề lớn nhất công ty phải đối mặt hiện nay là gì? Nhiều nhà tuyển dụng không thoải mái bộc bạch ngay với bạn về khó khăn của công ty, bởi đối diện với ứng viên, bao giờ họ cũng muốn xây dựng cho bạn hình ảnh công ty phát triển tốt, thuận lợi. Chẳng ai muốn nêu ra vấn đề rắc rối của công ty bởi làm thế khác nào "vạch áo cho người xem lưng". Bởi vậy, khi nêu câu hỏi này, bạn nên có sự dẫn dắt khéo léo, tạo cho người phỏng vấn cảm giác tin tưởng thực sự. Bạn muốn biết về khó khăn của công ty để xem với kỹ năng, nền tảng, kinh nghiệm sẵn có, bạn có thể tìm ra giải pháp gì mới mẻ hay không.
Thêm vào đó, bạn cũng nên hỏi xem, nếu bạn bắt đầu công việc ngay ngày mai thì nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là gì? Từ đó, bạn có thể định hình rõ hơn về vị trí công việc của bạn và yêu cầu quan trọng nhất công ty cần từ bạn.
- Hướng đi của công ty
Mới hỏi về khó khăn, giờ lại hỏi về hướng phát triển dài hạn của công ty thì nghe có vẻ đối lập. Nhưng thực tế, hai câu hỏi này lại có sự hỗ trợ, bổ sung thông tin cho nhau. Khi tìm hiểu về công ty, bạn chắc chắn muốn biết công ty có những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn như thế nào, tầm nhìn trong 5 năm tới sẽ ra sao... Đây chính là cơ hội giúp bạn giải đáp những vướng mắc chưa biết hỏi ai.
- Xác định sự phù hợp của bản thân
Câu hỏi tiếp theo sẽ giúp bạn tìm hiểu về văn hóa công ty cũng như yêu cầu của công ty đối với các nhân viên. Lúc này, bạn nên hỏi nhà tuyển dụng xem văn hóa công ty như thế nào, có điều gì khác biệt so với doanh nghiệp khác. Đồng thời bạn cũng có thể thẳng thắn hỏi người phỏng vấn xem, điều gì ở doanh nghiệp này thu hút họ. Đây là một câu hỏi hơi riêng tư một chút nhưng nếu người đối diện chịu chia sẻ, bạn sẽ nắm được nhiều thông tin hữu ích hơn đấy.
- Chủ động cung cấp thông tin
Những gì bạn có trong hồ sơ, CV chắc cũng đủ để người phỏng vấn có cái nhìn sơ lược về bạn. Tuy nhiên, trong buổi phỏng vấn, tốt nhất là nên có thêm nhiều thông tin để nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn năng lực, kinh nghiệm của bạn.Không cần đợi đến lúc người đối diện hỏi mới nói, bạn cứ chủ động đưa ra câu hỏi, "bạn có muốn biết thêm thông tin gì về tôi không?". Sau đó, bạn sẽ hỏi xem, bước tiếp theo của quá trình tuyển dụng này là gì. Điều đó cũng thể hiện bạn rất quan tâm đến công việc ở đây.
Theo chuyên gia tư vấn học tập và phát triển sự nghiệp Bill Denyer, bằng cách đề nghị người phỏng vấn làm rõ một số thông tin hoặc đưa dẫn chứng, bạn sẽ thấy người phỏng vấn hứng thú với bạn hơn. Họ cảm thấy bạn đang suy nghĩ sâu sắc, nghiêm túc về công việc, về những vấn đề công ty đặt ra.
Trong khi một số chuyên gia đề nghị ứng viên nên đợi nhà tuyển dụng hỏi xong, họ đề nghị "bạn có gì cần hỏi chúng tôi" rồi mới đưa ra câu hỏi thì một số khác lại khuyên rằng, ứng viên nên tìm cách đặt câu hỏi, tạo tình huống đối thoại thích hợp.
Milligan khuyên rằng, ứng viên nên có sự linh hoạt, tùy từng tình hình cụ thể để quyết định gián đoạn buổi phỏng vấn bằng những câu hỏi của mình hay đợi người ta hỏi xong rồi mới hỏi".

Cùng đoán tính cách qua bàn làm việc

Thực tế, trường hợp này có 2 cách hiểu. Nếu bạn ở vị trí nhân viên bình thường, thích chưng các loại giấy tờ của mình lên bàn làm việc thì đồng nghiệp sẽ thấy ở bạn sự thân thiện, gần gũi. Nếu trên các giấy tờ đó là những chức danh, thực sự, mọi người sẽ thấy hơi ngần ngại khi tiếp xúc với bạn bởi họ e ngại sự vồn vã, thoải mái của họ không đem đến cảm giác tôn trọng như bạn muốn.
Một ngày 8 tiếng ở văn phòng khiến nơi đó được coi như là ngôi nhà thân thiết thứ 2 của chúng ta. Không gian làm việc, dù chỉ là một góc nhỏ riêng tư nhưng lại đóng vai trò quan trọng để đồng nghiệp, khách hàng nhìn nhận về bạn. Bàn làm việc cũng giống như quần áo, phục trang hay ngôn ngữ phi giao tiếp, sẽ giúp bạn tạo ấn tượng riêng.
Theo Lisa Marie Luccioni - GS trợ giảng về lĩnh vực truyền thông tại ĐH Cincinnati, tất cả mọi thứ nơi văn phòng của bạn đều toát lên một thông điệp nào đó, nếu tinh ý, mọi người xung quanh sẽ dễ dàng đọc ra.
Sau đây là một số điểm giúp người ngoài "đọc vị" sở thích, cá tính cũng như phong cách làm việc của bạn:
- Bạn thích câu cá, trượt tuyết
Những bức ảnh chụp cảnh câu cá, hình ảnh trượt tuyết hay những hiện vật trên bàn làm việc của bạn có liên quan đến những sở thích này sẽ tạo cho người ngoài cảm giác bạn là người ưa mạo hiểm, thích phiêu lưu thậm chí đôi lúc hơi mơ màng một chút.
Barbara Pachter - tác giả của cuốn "Nội quy tại nơi làm việc" cho rằng, người yêu thích "món" này thường có xu hướng nhập cuộc khá tốt. Nhưng dần dần, nếu công việc kéo dài, quá nhiều người tham gia, họ lại dễ phân tán tư tưởng.
- Treo đồ vật quanh bàn làm việc
Từ đồ ăn vặt như kẹo cao su, thuốc aspirin trong ngăn kéo đến những bức hình của trẻ con... bạn để quanh bàn làm việc sẽ tạo cảm giác một không gian làm việc hướng ngoại. Những đồng nghiệp xung quanh sẽ luôn thoải mái, dễ chịu khi tiếp xúc với bạn.
- Không thích trang trí góc làm việc
Trái ngược với người hay treo các đồ vật trang trí ở bàn làm việc, tuýp người này lại có chiều hướng nội. Bạn có xu hướng thiên về cuộc sống riêng tư nhiều hơn là cống hiến toàn tâm toàn ý cho công ty. Bạn ưa sự thoải mái, thanh thản với cuộc sống gia đình bình yên hơn là phiêu lưu với những cuộc đua vì lợi nhuận.
- Bàn làm việc đầy các giỏ hoa khô
Bàn trang trí đầy các bát hoa thơm và lọ xịt hương cho thấy đây là người luôn tin vào bản thân, nghĩ sâu và ân cần, chu đáo. Bạn thích sự tỉ mỉ và luôn cầu toàn, muốn được chia sẻ những điều hay và thú vị với mọi người. Làm việc với bạn cũng rất thích vì sự cẩn thận và chu đáo của bạn, đặc biệt đồng nghiệp cũng rất yêu quý bạn. Bạn hợp với những nghề như marketing hay bán hàng.
- Bàn làm việc đầy bằng khen
Đây là bằng chứng cho thấy bạn là kiểu người luôn muốn người khác tôn trọng mình. Bàn làm việc của bạn luôn hiện hữu những tấm huy chương, bằng khen, giấy khen về những thành tích bạn đạt được. Bạn muốn người ta nhìn vào đó để hiểu bạn là ai.
- Góc làm việc lộn xộn
Đa số các chuyên gia đều đồng ý rằng, một văn phòng lộn xộn với giấy tờ ngổn ngang có thể tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng, uy tín của bạn. Bởi nhìn vào góc làm việc, người ta có cảm giác bạn là người cẩu thả, thiếu chín chắn. Với người như thế, sự hợp tác để làm việc đâu ra đấy là hơi hiếm. Pachter nhấn mạnh "người ta sẽ lo sợ rằng, những tài liệu về công việc, dự án của họ cũng sẽ bị bạn cho vào mớ hỗn độn kia. Thật khó để mọi việc được suôn sẻ". Đó cũng có thể xem là lời từ chối mời đối tác cùng làm ăn với mình.

'Bắt bệnh' các ứng viên khi đàm phán mức lương

Mục tiêu tài chính là trước mắt, còn về lâu dài, bạn phải tính đến uy tín, vị trí của bạn trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh. Vì thế, mức lương công ty đưa ra là dựa vào khả năng bạn có cũng như nhu cầu nhà tuyển dụng cần. Đôi khi, ứng viên phải biết bỏ qua cái lợi trước mắt vì sự nghiệp lâu dài trong tương lai.

Tại Mỹ, hàng tháng đều có những cuộc hội nghị bàn tròn về tuyển dụng, với mục đích thu thập thêm những nghề nghiệp, công việc mới và tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia tuyển dụng hàng đầu trên khắp đất nước.
Trong cuộc hội nghị gần đây, khi các ứng viên tỏ sự quan tâm đến những sai lầm phổ biến khi đàm phán mức lương và làm thế nào để không mắc phải những lỗi ấy.
Sau đây là chia sẻ và lời khuyên của các chuyên gia chuyên gia tuyển dụng:
- Vội vàng chốt con số cụ thể
Sai lầm phổ biến nhất là nhắc đến vấn đề lương lậu quá sớm và xác định ngay con số cụ thể. Các ứng viên nên thảo luận mức lương vào cuối buổi phỏng vấn. Nếu bạn tìm việc thông qua một công ty tuyển dụng khác, khi người ta yêu cầu đưa ra mức lương, bạn nên đề nghị "các yêu cầu về tiền lương tôi sẽ trực tiếp trao đổi với nhà tuyển dụng, như thế sẽ thoải mái và dễ dàng hơn nhiều".
Nếu không thông qua một công ty head-hunter, bạn nên để nhà tuyển dụng thấy rõ bạn đang muốn tìm kiếm một mức lương tương xứng trong thị trường cạnh tranh hiện nay. Bạn đang tính toán, cân nhắc các cơ hội hiện có. Bạn nên tránh thảo luận chi tiết về mức lương cụ thể, ít nhất là trong cuộc phỏng vấn đầu tiên.
(Lindsay Olson - CTV đồng thời là nhà tuyển dụng của công ty Paradigm Staffing)
- Thiếu trung thực về mức lương hiện có
Vấn đề mà nhiều ứng viên mắc phải khi đối diện nhà tuyển dụng là thiếu trung thực và chính xác khi nói về mức lương hiện tại hoặc đã được hưởng trong quá khứ. Nhiều người mức lương chỉ ở 150 nghìn USD nhưng khi đến phỏng vấn, con số đó lại lên tới 170 nghìn USD, thậm chí còn cao hơn nữa khi họ nhận ra họ đang là những ứng viên tiềm năng trong thị trường đầy cạnh tranh. Điều này là không nên bởi các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp chẳng mấy khó khăn để "điều tra" những thông tin bạn cung cấp có bao nhiêu phần trăm sự thật.
Anu cho rằng, ứng viên nên viết ra những con số cụ thể, tổng hợp lại mức thu nhập được hưởng trong vài năm trở lại đây, đảm bảo tính xác thực. Điều này giúp nhà tuyển dụng có niềm tin vào bạn và dễ dàng đưa ra quyết định hơn.
(Anu Datta - GĐ nhân sự của tập đoàn Korn/Ferry International) 
- Quên những mục tiêu dài hạn
Nhiều ứng viên hoàn toàn quên mức phụ cấp, lương hiệu quả mà chỉ chăm chăm vào mức lương cơ bản mà công ty đưa ra để quyết định về đầu quân hay không.
Không ít ứng viên từ chối chỉ vì mức lương cơ bản hơi thấp so với mặt bằng chung mà không cân nhắc đến lợi ích đi kèm, cơ hội phát triển nghề nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn cũng như uy tín, quy mô, văn hóa công ty... Thực tế, những lợi ích này đôi khi rất khó định lượng, ứng viên đòi hỏi phải nhạy bén để tính đến những cái lợi về lâu về dài, nhìn vào bức tranh phát triển tổng thể của công ty.
(Jill Davis - Nhà tuyển dụng của ngân hàng Well Fargo)
- Bỏ qua mục tiêu nghề nghiệp
Sai lầm lớn nhất của các ứng viên là họ tin rằng sẽ nhận được một mức lương đáng kể khi đảm nhận vị trí nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Họ chấp nhận công việc chỉ vì mức lương mà quên mất mục tiêu nghề nghiệp của bản thân.
Theo Hancock, ứng viên không nên ưu tiên nhất cho vấn đề tiền nong. Hãy tìm một vị trí phù hợp với năng lực, kinh nghiệm của bản thân, tập trung phát triển sự nghiệp để có cơ hội thăng tiến trong tương lai.
(Bob Hancock - Nhân viên tư vấn độc lập)
- Bất chấp thời gian
Hãy nhớ rằng, dù đã trao đổi xong xuôi, bạn vẫn có thể bị nhà tuyển dụng loại khỏi danh sách của họ, dù sao, nhà tuyển dụng cũng cầm đằng chuôi và bạn thật khó để chắc chắn một khi chưa bắt tay vào công việc.
Ngoài sự trung thực, thành thật về mức lương hiện tại và quá khứ, bạn nên quan tâm đến thời gian làm việc. Đừng vì mức lương kha khá một chút mà chấp nhận làm việc đầu tắt mặt tối bởi lúc đó bạn sẽ rơi vào tình trạng "làm ra tiền nhưng không có thời gian để tiêu tiền". Bởi vậy, ngoài tiền lương và những lợi ích kèm theo, ứng viên cũng nên quan tâm đến thời gian làm việc, chế độ nghỉ ngơi để có quyết định đúng đắn.

“Giải mã” những ngôn từ trong bản mô tả công việc

Rõ ràng là ai cũng muốn có quyền tự chủ trong công việc mà không bị ai nhòm ngó, sai khiến. Tuy nhiên, đôi khi cụm từ “ Sẵn sàng làm việc độc lập” lại ám chỉ tới sự lãnh đạo rời rạc, thiếu kết nối trong công ty nên người ở vị trí này phải làm việc mà không có sự hướng dẫn, chỉ bảo từ cấp trên.
Dưới đây là những cụm từ thường được sử dụng trong bản tin tuyển việc và cách “ giải mã” ý nghĩa thực sự của chúng:
“ Nhiều cơ hội phát triển”
Cụm từ này thường được các công ty mới thành lập với khát vọng lớn nhưng ngân sách hạn hẹp sử dụng. Điều họ không muốn nói trực tiếp với bạn là họ muốn bạn làm việc với khoản tiền lương ít ỏi để đổi lấy “ cơ hội phát triển”. Bạn có thể phải làm việc vất vả cả vào cuối tuần.
Hãy cảnh giác với những cụm từ như thế bằng cách đảm bảo rằng đây là công ty bạn thực sự muốn gắn bó và dù không phải là công việc hoàn hảo nhưng bạn vẫn muốn thử thách. Hãy tìm hiểu kĩ lưỡng về công ty trước khi quyết định bởi suy cho cùng, những cơ hội phát triển lâu dài sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu bạn cảm thấy mệt mỏi sau vài tuần làm việc hoặc công ty sắp phá sản.
“ Thời gian làm việc linh hoạt”
Đây cũng là một cụm từ phổ biến của những công mới và nhỏ. Nó có nghĩa là bạn có thể phải làm việc vào cuối tuần, thức đêm hay chỉ có một tiếng đồng hồ để chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng. Tóm lại, nhà tuyển dụng không có ý “ linh hoạt” với lịch trình làm việc của bạn mà bạn phải “ linh hoạt” với điều kiện của họ.
Để tránh hiểu lầm khi bạn bắt đầu vào làm việc, hãy hỏi nhà tuyển dụng hoặc đề cập tới vấn đề này trong cuộc phỏng vấn.
“ Có khả năng xác định và giải quyết vấn đề”
Hiểu một cách đơn giản và thực tế, cụm từ trên có nghĩa là “ Công ty này đang rối loạn và chúng tôi hi vọng bạn có thể giải quyết vấn đề”. Một số ứng viên cảm thấy sự hấp dẫn của tình trạng lộn xộn hiện tại sẽ hăng hái gửi hồ sơ xin việc và tìm ra hàng đống giải pháp để giúp công ty. Nếu là người ưa thách thức, bạn có thể làm như vậy. Còn nếu không muốn làm việc cho một công ty có nhiều rắc rối, bạn nên tiếp tục quá trình tìm việc.
“ Sẵn sàng làm việc độc lập”
Nếu bạn tham gia cuộc phỏng vấn với sếp tiềm năng của mình, hãy cố gắng để ý xem anh/ cô ấy có phải là người có trách nhiệm với công việc hàng ngày. Được tự chủ trong công việc là một điều thuận lợi nhưng đôi khi bạn cần sự giám sát, hướng dẫn cũng như sự khích lệ, động viên của sếp để tiến xa hơn trong sự nghiệp.

7 điều không nên nói trong các cuộc phỏng vấn

Trông bạn không hề chuyên nghiệp chút nào nếu trong buổi gặp đầu tiên đã cười chảy ra nước mắt.

1. “Ông chủ cũ của tôi là một người không tốt”
Bất kể bạn không hài lòng với ông chủ cũ của mình như thế nào, hãy giữ điều đó cho riêng mình. Họ sẽ đánh giá bạn có quan điểm và mối quan hệ không tốt với sếp và cơ quan cũ. Đó là chưa kể có thể người phỏng vấn có thể biết và có mối quan hệ với sếp cũ của bạn.
"Đừng ngồi lê đôi mách hay nói xấu về những người bạn đã từng làm việc cùng, ngay cả khi bây giờ họ đang “sa cơ lỡ vận”. “Ngay cả khi người phỏng vấn cố tình “gài bẫy” bạn. Tất cả chỉ là một phép thử. Hãy tỏ ra là một người duyên dáng và lịch sự, hãy nói về sếp cũ của mình như một người anh, người chị của mình” - Gayl Murphy tác giác của cuốn sách: “Interview tactics” khuyên những người đang đi tìm kiếm việc làm.
2. Trả lời bằng 1 từ: “Có”, “vâng”, “không”
Trừ khi những câu hỏi của nhà tuyển dụng mang hàm ý muốn bạn phải khẳng định “có” hoặc “không”, chẳng hạn: “Chúng tôi sẽ có cuộc gặp phỏng vấn với bạn vào 9h sáng mai nhé?..”, còn lại bạn không nên dùng những câu trả lời với 1 từ như thế. Một cuộc phỏng vấn là cơ hội để bạn thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn có trình độ trong công việc, chính vì thế hầu hết các câu hỏi thường là câu hỏi mở để bạn có thể trình bày, chứng minh rằng bạn phù hợp với công việc.
3. “Hãy để tôi nói cho anh nghe về tôn giáo và chính trị”
Giống như buổi hò hẹn đầu tiên, một cuộc phỏng vấn không có chỗ cho những chuyện liên quan đến tôn giáo và chính trị. Bởi nếu chủ đề của bạn động vào những vấn đề nhạy cảm sẽ có thể tạo ra những cuộc tranh luận nóng bỏng.
"Khi phỏng vấn cho một công việc, quyết định nói gì và không nói gì luôn là một thách thức”, “trừ khi công việc sắp tới của bạn là một mục sư hay giáo sĩ hoặc những công việc liên quan đến chính trị, nếu không tránh đề cập đến những vấn đề đó”, Gayl Murphy khuyên.
4. "Tất nhiên tôi biết làm cái đó”, “cái đó thuộc sở trường của tôi”…
Một cuộc phỏng vấn không phải để bạn đánh bóng kinh nghiệm và khả năng của bản thân mình. Nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn về một điều gì bạn không có kinh nghiệm hoặc không biết, hãy nên trình bày thành thật với họ cùng với thái độ thực sự cầu thị. Họ sẽ tôn trọng bạn hơn là những kẻ khoe khoang, khoác lác nhưng lại chẳng làm được việc.
5. "Anh bạn, chúng ta cùng uống café sau buổi phỏng vấn này nhé!”
Bất kể bạn và người phỏng vấn giao tiếp với nhau ăn ý thế nào, bất kể bạn và họ có những điểm chung ra sao, chẳng hạn: bạn và họ cùng học chung một trường đại học, bạn và họ có cùng quê hương, bạn cũng không nên quá thân mật và suồng sã. Bởi dù sao đó cũng là mối quan hệ đồng nghiệp, cần những quy tắc và cách ứng xử đúng mực. Hãy tránh gọi người phỏng vấn bằng những cách gọi quá suồng sã như: Anh bạn, anh trai, chị gái…
6. "Hahahaaaaa! AAAAAhaaahahaaa!"
Người phỏng vấn hoặc ai đó trong buổi phỏng vấn có thể có những trò đùa, có khiếu hài hước. Cũng không vấn đề gì nếu bạn cũng hài hước và cười vui vẻ trong cuộc phỏng vấn, điều quan trọng là không cười một cách ngặt nghẹo. 
7. "Tôi không tuyệt vời như vậy đâu”
Cuộc phỏng không phải thời gian cho sự khiêm tốn. Giống như một người bán hàng, bạn cần phải quảng bá về bản thân, cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một sản phẩm tuyệt vời. Vì vậy, khoe khoang tất nhiên là điều không nên, nhưng khiêm tốn quá cũng là một sai lầm.